Loa toàn dải Krell.
Khi nghe loa toàn dải ta cảm thấy tầng âm được định vị rõ ràng hơn. Do loa toàn dải không phải sử dụng phân tần, tín hiệu từ ampli được đi thẳng đến loa, không phải qua các linh kiện điện tử của mạch phân tần như cuộn cảm, tụ điện, điện trở nên tín hiệu tới loa không bị suy hao hoặc thay đổi do tác động của các linh kiện kém chất lượng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn biết rằng thiết kế được một mạch phân tần tối ưu luôn là một thách thức cho bất kỳ nhà sản xuất loa nào trên thế giới.
Một đặc điểm lưu ý là các loa toàn dải thường có độ nhạy khá cao, trong khi các loa nhiều dải có độ nhạy phổ biến từ 86-91dB thì loa toàn dải thường có độ nhạy từ 90-99dB. Có được điều này là bởi các nhiều yếu tố. Thứ nhất, loa toàn dải loại bỏ được mạch phân tần, một trong những nguyên nhân làm giảm độ nhạy của loa (bạn thử hình dung trong khi mình đang phải đắn đo từng phân chiều dài cặp dây loa đắt tiền thì tín hiệu từ ampli phải đi qua cả trăm mét dây đồng của cuộn cảm trong mạch phân tần để tới được loa).
Ngoài ra, do làm bằng loại giấy rất nhẹ nên ở cùng một mức tín hiệu, màng loa toàn dải di chuyển dễ dàng hơn nhiều so với các loại màng loa làm bằng vật liệu khác, nặng nề hơn. Thêm vào đó, các loa toàn dải cao cấp thường sử dụng nam châm có từ lực rất mạnh, hơn hẳn các loại loa thông thường. Khi kết hợp với màng bằng giấy nhẹ, loa dễ dàng đáp ứng mức tín hiệu rất thấp từ những ampli có công suất chỉ từ 1,5 đến 3,5 Watt.
Ngoài những ưu điểm trên, loa toàn dải cũng có nhiều hạn chế. Do loa toàn dải sử dụng một loa duy nhất để thể hiện toàn bộ dải âm thanh từ thấp đến cao nên khoảng tần số mà loa toàn dải tái hiện tốt nhất là trong khoảng 50Hz đến trên 10kHz, ngoài khoảng này, âm trầm và âm cao sẽ bị sụt giảm nhanh chóng. Do vậy, để tăng cường tiếng trầm, người ta thường sử dụng thùng loa kiểu kèn sau. Khi đó, phần âm trung và âm cao được phát ra trực tiếp từ màng loa, còn âm trầm được cộng hưởng trên đường zích zắc bên trong thùng loa từ họng kèn trước khi thoát ra khỏi miệng kèn. Vì đường zích zắc trong loa kèn thường dài nên âm trầm phát ra từ loa kèn sau thường có vẻ "trễ" hơn các dải khác, nếu thiết kế không chính xác, ta dễ gặp phải trường hợp lệch pha giữa các tần số.
Xét về khía cạnh thương mại và yếu tố tiện dụng thì loa toàn dải kiểu Kèn sau có nhiều nhược điểm: thiết kế và gia công rất khó, chi phí cao, to và cồng kềnh. Kiểu loa này khó có thể trở thành kiểu loa thương mại phổ biến, chỉ một số ít dân chơi đóng kiểu thùng này.
Để mở rộng tần số cao, tăng tiếng treble, loa toàn dải thường có một màng loa phụ nhỏ hơn nằm bên trong màng loa chính. Màng loa phụ này giúp cho loa toàn dải có thể mở rộng được dải tần trên 5kHz. Tuy nhiên, việc gắn màng loa phụ cũng làm cho tiếng treble của loa toàn dải đôi khi nghe bị "chói". Khi nhìn vào sơ đồ đáp tần của loa toàn dải, ta thường thấy những điểm nhô lên đột ngột ở khu vực tần số cao. Vì những nhược điểm âm học đặc biệt của màng loa phụ nên việc thiết kế một loa toàn dải có đáp tuyến bằng phẳng luôn làm đau đầu các nhà chế tạo.
(Phần 1)
(Theo Nghe Nhìn)
No comments:
Post a Comment